Có vẻ như bộ răng sữa của trẻ em ít được quan tâm, bởi đa số phụ huynh cho rằng, răng sữa chẳng đóng vai trò gì quan trọng, răng sữa rồi cũng sẽ thay thôi mà! Có thật sự vậy không?
Hành trình của chiếc răng sữa
Những chiếc răng sữa đầu đời của bé bắt đầu mọc từ khoảng 6 tháng tuổi, cho đến 30 tháng tuổi là bé đã có đủ 20 chiếc răng. Thời gian này có thể xê xích vài tháng, nhưng không đáng kể. Sau đó, đến khi bé được 6 tuổi thì những chiếc răng sữa sẽ dần lung lay tuần tự để được thay thế bằng các răng vĩnh viễn. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn bộ răng hỗn hợp, vì trong miệng bé vừa có răng sữa lẫn răng vĩnh viễn. Có một điểm cần lưu ý với các bậc phụ huynh là lúc 6 tuổi, bé bắt đầu mọc răng hàm vĩnh viễn ở phía trong cùng. Răng này được gọi là răng số 6, răng 6 tuổi, hay như thuật ngữ chuyên ngành là răng cối lớn thứ nhất. Phụ huynh thường nhầm lẫn đây vẫn là răng sữa, có phần lơ là trong quá trình chăm sóc, khiến bé phải chịu hậu quả mất răng sớm, rất đáng tiếc. Quá trình thay răng sữa tuần tự cho đến khi bé được 12 tuổi thì việc hình thành bộ răng vĩnh viễn gần như hoàn tất. Lúc này bé đã có đủ 28 răng trong cả 2 cung hàm, và tất cả các răng sữa đã được thay thế hoàn chỉnh. Đến thời điểm này, có thể xem bộ răng vĩnh viễn gần như hoàn tất vì còn 1 giai đoạn bé mọc thêm 4 răng khôn sau thời điểm dậy thì, lúc khoảng 16 tuổi – 18 tuổi. Vấn đề này sẽ được nói vào 1 dịp khác.
Vậy vai trò của răng sữa là gì?
Thực tế, răng sữa có vai trò quan trọng hơn nhiều so với suy nghĩ của phần lớn các bậc phụ huynh hiện nay.
1/ Chức năng trong hệ tiêu hóa: rõ ràng, hàm răng dù là răng sữa hay răng vĩnh viễn đều có chức năng nhai, giúp bé cảm nhận được sự thú vị trong mỗi bữa ăn. Hãy tưởng tượng khi bé bị sâu răng, đau nhức không ăn được, phải bỏ bữa sút cân, thì chắc phụ huynh nào cũng xót xa!
2/ Kích thích sự phát triển xương hàm – sọ mặt: chính hoạt động nhai của bé giúp kích thích sự phát triển cân đối của hệ thống xương hàm – sọ mặt.
3/ Giữ khoảng cho răng vĩnh viễn: mỗi chiếc răng sữa ngoài chức năng nhai còn có 1 vai trò rất quan trọng là giữ khoảng, hướng dẫn cho các răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn, đúng chỗ trên cung hàm. Nếu để mất răng sữa quá sớm khi chưa đến đúng thời điểm thay răng, sẽ khiến cho các răng vĩnh viễn sau này mọc lộn xộn, chen chúc trên cung hàm.
4/ Phát âm: trong giai đoạn bi bô tập nói, nếu bé bị mất răng sữa có thể sẽ không phát âm được 1 số âm như “th” hay “ph”. Vì những âm này đòi hỏi có sự phối hợp giữa môi, răng và lưỡi.
5/ Thẩm mỹ: chắc ai cũng thấy điều này, răng sữa giúp tô điểm cho vẻ đẹp của khuôn miệng nhỏ nhắn xinh xinh của bé.
Cách bảo vệ và chăm sóc răng sữa
- Chải răng cho bé là điều tiên quyết. Ngay ở giai đoạn sơ sinh, phụ huynh cũng đã có thể dùng gạc mềm thấm nước muối sinh lý để xoa lên nướu và lưỡi của bé sau mỗi lần bú. Khi bé được 6 tháng tuổi, lúc này đã bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên, phụ huynh cũng có thể áp dụng cách này để lau sạch răng cho bé. Khi bé có nhiều răng hơn, chúng ta bắt đầu dùng bàn chải lông thật mềm để chải răng cho bé. Lưu ý sử dụng kem đánh răng có thể nuốt được với 1 lượng nhỏ bằng hạt đậu xanh. Cũng đừng quên mua cho bé những cây bàn chải nhiều màu sắc vui nhộn, xinh xắn.
- Có thể thời gian đầu bé sẽ phản ứng bằng cách quấy khóc, cắn chặt răng, bất hợp tác. Nhưng phụ huynh hãy kiên trì, đừng vì bé quấy khóc to mà bỏ cuộc. Ngay bản thân tác giả cũng phải mất hơn 1 tháng để cho bé con nhà mình làm quen với việc chải răng mà không còn quấy khóc.
- Cách chải như thế nào nhỉ? Đầu tiên, cho bé cắn 2 hàm răng lại, chúng ta dùng bàn chải kéo dọc lên xuống hoặc xoay tròn đều mặt ngoài. Tiếp theo, chải mặt nhai tới lui khoảng 5 – 6 lần cho mỗi răng. Sau cùng, đối với mặt phía lưỡi, có thể để nghiêng bàn chải 45 độ, áp vào răng rồi hất nhẹ về phía mặt nhai hoặc cạnh cắn.
- Tốt nhất là tập cho trẻ thói quen chải răng sau khi ăn xong. Nhưng nếu vì lí do nào đó không thực hiện được chải răng thường xuyên trong 1 ngày cho bé, thì nhất thiết bé phải được chải răng trước lúc đi ngủ.
- Giúp trẻ nhận thức được thức ăn nào tốt cho răng như: rau xanh, trái cây,… Đồng thời, hạn chế các loại thức ăn có tinh bột, đường như: bánh, kẹo,… vì dễ bám dính vào răng gây sâu.
- Tuyệt đối tránh cho bé bú bình ban đêm. Khi bé đi ngủ, tình trạng tiết nước bọt giảm nên việc bú bình ban đêm sẽ khiến cho răng bé dễ bị sâu hơn, dẫn đến tình trạng đa sâu răng do bú bình.
- Tập thói quen đi khám nha sĩ định kì cho bé. Có thể là 3 – 6 tháng/ lần. Lưu ý với phụ huynh là không nên dọa bé những câu như “con không chải răng sẽ kêu bác sĩ nhổ răng” , “con không ăn cơm sẽ kêu bác sĩ nhổ răng”. Làm như vậy, sẽ tạo tâm lí hoảng sợ cho bé khi đến thăm khám nha sĩ.